Trước tình trạng môi trường đang ngày càng trở nên ô nhiễm như hiện nay, mặc dù các cơ quan ban ngành đã thực hiện rất nhiều giải pháp khắc phục hậu quả cũng như bảo vệ môi trường song kết quả mang lại vẫn chưa mấy khả quan. Để hiểu rõ hơn về thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay, hãy cùng tham khảo những số liệu mà Kiến Thức 24h chia sẻ trong bài viết này.
Theo những thông tin mà Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa báo cáo tại Hội nghị toàn quốc bảo vệ môi trường thì hàng năm, nước ta tiêu thụ đến gần 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật; Hơn 23.000.000 tấn rác thải sinh hoạt; Và khoảng 630.000 tấn chất thải nguy hại;….Thế nhưng, việc xử lý chất thải vẫn còn rất hạn chế, dẫn đến ô nhiễm đất, nước và không khí cực kỳ nghiêm trọng.
Mục lục bài viết
Số liệu về ô nhiễm môi trường đất ở Việt Nam
Hiện nay, cùng với quá trình đô thị hóa, gia tăng dân số thì diện tích đất tự nhiên, đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp. Kéo theo đó là chất lượng đất ngày càng bị suy thoái. Theo một vài cuộc khảo sát tại các khu công nghiệp, lượng kim loại tồn dư trong đất vẫn còn đạt hàm lượng khá cao. Cụ thể, tại khu công nghiệp Phước Long - Bình Phước, hàm lượng các chất: Cr, As, CD,…cao gấp 1,5 - 15 lần mức bình thường.
Ngoài ra, các bãi chôn lấp rác thải cũng là một nguyên nhân khiến đất ngày càng ô nhiễm. Theo thống kê, nước ta hiện có khoảng 660 bãi chôn lấp rác nhưng chỉ có khoảng 130 bãi đạt tiêu chuẩn vệ sinh. Việc xử lý rác thải không đúng tiêu chuẩn không chỉ gây hại đến đất mà cả nguồn nước, không khí cũng bị ảnh hưởng.
Mỗi năm, nước ta sử dụng đến hơn 100.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật. Trong khi chỉ khoảng 45% -50% lượng hóa chất được hấp thụ vào cây trồng. Số còn lại đều thấm vào đất hoặc bị rửa trôi ra sông, suối. Ở hầu hết các tỉnh thành đều xuất hiện tình trạng ô nhiễm đất do lượng hóa chất còn tồn lưu.
Số liệu về ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam
Nước là một nguồn tài nguyên có hạn và vô cùng cần thiết đối với cuộc sống của con người lẫn động thực vật. Nếu xét về tốc độ lan truyền và quy mô ảnh hưởng thì ô nhiễm nước còn đáng lo ngại hơn rất nhiều lần so với ô nhiễm đất. Một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước bị ô nhiễm nhanh chóng là các làng nghề, cơ sở sản xuất còn sử dụng hệ thống xử lý nước thải lạc hậu. Thậm chí, có nhiều nơi còn xả trực tiếp chất thải ra môi trường mà không hề qua xử lý.
Lượng nước xả thải ở các khu công nghiệp ước tính khoảng 400.000 - 500.000 m3/ngày đêm. Ở những địa phương tập trung các khu công nghiệp lớn như Bắc Ninh, con số này có thể lên đến hàng nghìn m3. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 15% khu công nghiệp được trang bị hệ thống xử lý nước thải hiện đại. Còn lại đều chỉ ở mức trung bình hoặc lạc hậu. Ở các ngành công nghiệp như: dệt may, sản xuất và tái chế giấy,…gây nên một áp lực không hề nhỏ đối với môi trường nước. Cụ thể: Hàm lượng chất rắn lơ lửng luôn vượt quá mức cho phép; Hàm lượng nước thải chứa xyanua vượt 84 lần; H2S vượt 4,2 lần;….
Đối với vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý tập trung nhưng chỉ khoảng 13% lượng nước thải đô thị được xử lý. Đáng nói hơn, ở nhiều vùng nông thôn, đa số người dân đều xả thẳng nước thải ra sông, hồ mà không hề qua xử lý. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, số lượng vi khuẩn Feca coliform ở vùng ven sông Tiền và sông Hậu biến đổi trung bình từ 1.500 - 3.500 MNP/100 ml, tăng lên đến 3.800 - 12.500 MNP/100 ml ở các kênh tưới tiêu.
Số liệu về ô nhiễm môi trường không khí ở Việt Nam
Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra các bệnh về mắt và hô hấp hàng đầu ở nước ta hiện nay. Tình trạng ô nhiễm không khí ở Việt Nam nói chung và các thành phố lớn nói riêng đã vô cùng nghiêm trọng, có thể nói là rất khó để khắc phục.
Theo khuyến cáo của WTO thì lượng bụi mịn trong không khí chỉ nên ở mức 10 µg/m3. Trong khi con số đo được ở TP.HCM đạt 26 µg/m3 (ngoài trời) và 16 µg/m3 (trong nhà). Thế nhưng, tình hình ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn ở mức khủng khiếp hơn khi mới đây, thủ đô vừa lọt vào danh sách top những thành phố ô nhiễm không khí nhất thế giới do AirVisul bình chọn. Ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, cả thành phố cũng đều bị bao bọc bởi một lớp sương khô, kể cả những vùng ngoại ô vốn có không khí trong lành.
Mặc dù hiện nay, các nhà máy, cụm công nghiệp đều phải đảm bảo được trang bị hệ thống xử lý khí thải và đánh giá tác động đối với môi trường trước khi được cấp phép hoạt động nhưng vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề rò rỉ khí thải phát sinh. Ở các khu sản xuất và tái chế giấy, nồng độ bụi luôn vượt từ 3,63 - 4,13 lần; CO vượt 1,02 - 2,5 lần; SO2 vượt từ 1,23 - 1,42 lần;….Ở các khu công nghiệp sản xuất, tái chế kim loại, nồng độ Cu vượt từ 1,0 - 1,25 lần; Nồng độ bụi luôn vượt từ 2,6 - 3,6 lần;….
Ngoài ra, phương tiện giao thông cũng là nguyên nhân lớn khiến không khí ngày càng ô nhiễm. Ở nước ta, trung bình mỗi năm, tỷ lệ sử dụng xe máy, xe ô tô tăng từ 8% - 18%, dẫn đến tỷ lệ khí thải cũng tăng 4 - 5 lần/năm.
Trên đây là thực trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam hiện nay mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng sau khi tham khảo bài viết, các bạn đã hiểu rõ hơn về tình hình ô nhiễm ở nước ta, từ đó cùng chung tay góp sức bảo vệ môi trường sống cũng như bảo vệ sức khỏe của chính bản thân và gia đình mình.