Từ rất lâu, người Việt Nam đã vô cùng xem trọng chuyện học tập. Do đó từ thời phong kiến, nước ta đã có nhiều ngôi trường được xây dựng và được ví von như các trường đại học ngày nay. Trong bài viết này, hãy cùng đội ngũ biên tập viên Kiến Thức 24h khám phá những trường đại học đầu tiên của Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay.
Mục lục bài viết
Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xem là ngôi trường đại học đầu tiên của Việt Nam và cho đến nay đã trở thành quần thể di tích hàng đầu của Hà Nội. Nơi đây bắt đầu được xây dựng vào những năm 1070 của đời Thánh Tông nhà Lý. Cụ thể, năm 1070 vua Lý Thánh Tông cho xây dựng Văn Miếu để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư đạo Nho và cho Thái tử Lý Càn Đức (tức vua Lý Nhân Tông) đến đây học. Đến năm 1076, vua Lý Nhân Tông cho xây dựng Quốc Tử Giám bên cạnh Văn Miếu với mục đích dạy học cho con cái của các quan lại trong triều. Trải qua các đời vua, Quốc Tử Giám được mở rộng và thu nhận cả con cái của các nhà thường dân có học lực xuất sắc đến học. Đến năm 1762, Quốc Tử Giám được xem là cơ sở đào tạo và giáo dục cao cấp của triều đình. Hiện nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám không chỉ là di tích lịch sử quan trọng cấp quốc gia mà còn là nơi các sĩ tử thường xuyên tìm đến để thắp hương, cầu mong đỗ đạt.
Trường Đại học Y Hà Nội
Đại học Y Hà Nội là ngôi trường được thành lập sớm nhất trong số 3 trường đại học đầu tiên của Việt Nam còn tồn tại và hoạt động cho đến ngày nay. Năm 1902, người Pháp cho xây dựng ngôi trường với tên gọi “Đại học Y Dược Đông Dương”, dưới sự điều hành của vị bác sĩ danh tiếng - Yersin. Giai đoạn từ năm 1902 đến 1945, đội ngũ cán bộ giảng viên ở Đại học Y Dược Đông Dương là người Pháp và tiếng Pháp cũng sử dụng 100% trong giảng dạy. Sau Cách Mạng tháng Tám năm 1945, trường chính thức thuộc quyền điều hành của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Năm 1961, Đại học Y Dược Đông Dương được tách ra thành hai ngôi trường Đại học Y Hà Nội và Đại học Dược Hà Nội như hiện nay.
Trường Đại học Quốc gia Hà Nội
Đại học Quốc gia Hà Nội là ngôi trường thuộc hệ thống Đại học Quốc gia được thành lập đầu tiên. Tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội là Viện Đại học Đông Dương, được thành lập vào năm 1906, dưới sự điều hành của Toàn quyền Đông Dương - Paul Beau. Đây là mô hình đại học đa ngành đầu tiên được xây dựng, nhằm mục đích đào tạo nhân lực bản địa trong bộ máy cai trị của thực dân Pháp. Tuy nhiên, sau khi kết thúc khóa đầu tiên thì trường bị đóng cửa vì Pháp cho rằng đã khích lệ phong trào yêu nước những năm 1908 - 1909. Mãi cho đến năm 1917, Viện Đại học Đông Dương mới được phép hoạt động trở lại. Sau khi Cách Mạng thành công trường được đổi tên thành Đại học Quốc gia Việt Nam và tiếp tục được đổi thành Đại học Tổng hợp vào năm 1956. Tên gọi Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ vừa được đặt chính thức từ năm 1993.
Trải qua nhiều lần thay đổi bộ máy, đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội bao gồm 7 trường thành viên là: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Công Nghệ, Đại học Kinh tế, Đại học Giáo dục và Đại học Việt - Nhật.
Trường Đại học Sài Gòn
Trước khi được biết đến với tên gọi Đại học Sài Gòn như ngày nay, ngôi trường cổ kính nhất TPHCM có tên là “Trường Trung học Pháp - Hoa”. Trường được xây dựng vào năm 1908 theo sáng kiến của ông Man Yan TSIA, dành cho đồng bào học sinh Hoa kiều sống ở Việt Nam. Vào thời đó, ngôi trường đào tạo song song 2 thứ tiếng là Pháp và Hoa nên người sau khi tốt nghiệp Trung học Pháp - Hoa rất có vị thế trong xã hội. Sau đó, trường được đổi tên thành Bác Ái học viện và là Cao Đẳng Sư phạm TPHCM vào năm 1975. Năm 2007, trường được nâng cấp trở thành Đại học Sài Gòn như ngày nay. Đó là lý do vì sao ngôi trường đại học lâu đời nhất TPHCM mang lối kiến trúc Pháp - Hoa vô cùng độc đáo. Hiện nay, trường Đại học Sài Gòn đào tạo các cấp độ đại học, cao đẳng và trung cấp thuộc các lĩnh vực: Kinh tế - Kỹ thuật, Văn hóa - Xã hội, Chính trị - Nghệ thuật và Sư phạm.
Trên đây là một số thông tin về những ngôi trường đại học đầu tiên của nước Việt Nam mà đội ngũ biên tập viên chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Hi vọng rằng bài viết đã cung cấp cho bạn thêm nhiều thông tin bổ ích và thú vị về nền móng Giáo dục của nước ta.