Lũ lụt là một trong những thảm họa tự nhiên thường xảy ra hàng năm ở nước ta, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho nhiều người bị thiệt mạng là do không biết phải làm gì khi có lũ lụt ập tới. Do đó, việc nắm vững cách ứng phó với lũ lụt sẽ giúp bảo vệ bạn và gia đình, người thân khỏi những nguy cơ có thể xảy ra.
Mục lục bài viết
Cách chuẩn bị ứng phó khi có tin lũ lụt sắp đến
Việc chuẩn bị ứng phó khi lũ lụt sắp ập đến là một công tác đặc biệt quan trọng. Nếu có sự chuẩn bị đầy đủ, kỹ càng, bạn sẽ có thể vượt qua cơn lũ, lụt một cách an toàn, tránh được những thiệt hại không đáng có về người và của. Cụ thể hơn, bạn nên chuẩn bị những điều sau đây khi nhận được tin lũ lụt sắp sửa ập đến:
- Theo dõi kỹ thông tin thời tiết trên tivi, đài phát thanh, internet để nắm vững tình hình lũ lụt, biết được những khu vực nào an toàn và khu vực nào nguy hiểm.
- Tìm hiểu kỹ càng khu vực xung quanh để biết nơi nào có thể tránh lũ được.
- Tắt hết các thiết bị điện, nước, gas trong nhà, ngắt nguồn và bọc kín các thiết bị sử dụng nước như máy giặt, máy rửa chén,….
- Đưa các vật dụng quý giá, đồ đắt tiền, đồ điện tử và đặc biệt là các loại giấy tờ quan trọng lên cao. Nếu không thể di chuyển được thì hãy cố gắng bọc lại thật kín bằng bao ni lông.
- Chuẩn bị đồ dự trữ để đề phòng bị cô lập khi tình trạng lụt kéo dài với đầy đủ các vật dụng sau: ít nhất 3 lít nước/người/ngày, thực phẩm, cồn khô, hộp sơ cứu y tế, thuốc men, quần áo, đồ giữ ấm, diêm, bật lửa, bản đồ, la bàn,….
- Chuẩn bị túi đồ để đề phòng phải sơ tán khẩn cấp với đầy đủ các dụng cụ sau: 2 lít nước, thực phẩm đóng hộp, lương khô, đèn pin, bật lửa, túi sơ cứu y tế, thuốc men, quần áo, áo mưa, tiền mặt, giấy tờ tùy thân, phương tiện liên lạc,….
Những việc cần làm khi có lũ lụt ập đến
Việc đầu tiên bạn cần phải làm khi có lũ lụt ập đến chính là giữ bình tĩnh. Điều này sẽ giúp bạn luôn rõ ràng mình cần phải làm gì tiếp theo, đồng thời có thể nghĩ ra phương án giải quyết nhanh chóng cho những tình huống bất ngờ. Sau đó hãy ghi nhớ tiến hành làm các công việc sau đây:
- Thường xuyên theo dõi thông tin trên ti vi, đài truyền hình,….
- Nếu cảm thấy tình hình trở nên nghiêm trọng hoặc khi nhận được yêu cầu của chính quyền khu vực nơi bạn cư trú, đừng chần chừ mà hãy di tản ngay.
- Nhớ mang theo túi đồ cần thiết khi sơ tán.
- Đi theo hướng dẫn của lực lượng chức năng, thông tin từ đài phát thanh hoặc theo các khu vực an toàn mà bạn đã tìm hiểu từ trước.
- Nhận biết những nơi như cầu, cống, sông, ngòi, kênh, rạch,…, những nơi có cây to, đường dây điện, hộp điện và cố gắng tránh xa chúng khi di chuyển.
Một số điều cần lưu ý khi gặp lũ lụt
- Chú ý xung quanh khi di chuyển, đặc biệt lưu ý đến một số loài động vật như rắn, rết,….
- Không nên đi bộ trong dòng nước. Nếu bất đắc dĩ phải băng qua thì hãy chọn nơi nước đứng yên. Bởi dòng nước lũ chỉ cần cao khoảng 15cm là đủ để đẩy ngã một người lớn và nếu đạt độ cao 60cm thì sẽ có thể cuốn trôi cả một chiếc xe hơi.
- Cầm theo một cây gậy cứng, dài để kiểm tra độ cứng của đất cũng như độ sâu của mực nước nơi mình chuẩn bị đi qua.
- Không lái xe vào vùng đang có lũ. Nếu nước cuốn đến thì hãy rời xe ngay lập tức. Việc bị mắc kẹt trong xe khi lũ ập đến sẽ khiến cho khả năng sống sót của bạn trở nên mong manh hơn rất nhiều.
- Nếu nước ngập vào trong xe và không thể mở cửa, ưu tiên đập vỡ kính ở các cửa để chui ra. Không nên cố gắng đập vỡ kính ở mặt trước bởi nơi này khá dày và sẽ trở nên chắc chắn hơn do áp lực của nước.
- Nếu không thể đập vỡ cửa kính ô tô, hãy chờ cho đến trước khi nước ngập toàn bộ ô tô thì hít một hơi thật sâu rồi cố gắng mở chốt cửa ô tô gần nhất. Bởi lúc này, áp suất bên trong và bên ngoài đã cân bằng, việc mở cửa xe sẽ không còn khó khăn như trước.
- Chú ý bảo quản kỹ càng giấy tờ, tài sản tùy thân bởi lúc xảy ra lũ lụt thường rất hỗn loạn. Nên đặt tài sản trong túi hoặc hộp chống nước và luôn mang theo bên người.
Cần phải làm gì sau khi cơn lũ lụt qua đi?
Nhiều người vẫn thường nghĩ là sau khi nước rút sẽ có thể trở về nhà sống bình thường. Tuy nhiên đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Bởi tuy nước lũ đã rút nhưng nó vẫn sẽ để lại một số hậu hoạn, di chứng rất nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến gia đình bạn. Vì vậy để có thể xây dựng lại cuộc sống một cách an toàn và ổn định, hãy đảm bảo mình đã thực hiện đầy đủ các công việc sau:
- Chỉ trở về nhà khi các cơ quan chức năng thông báo nơi đó đã an toàn.
- Khi trở về hãy cố gắng tránh xa những chỗ có dòng nước chảy.
- Quan sát cẩn thận đường xá nơi mình đi qua, đặc biệt tránh những chỗ có dây điện bị đứt, cống bị sập,….
- Hết sức cẩn thận khi bước vào nhà, kiểm tra kỹ càng phần nền móng, mái hiên và các bức tường có còn chắc chắn nữa hay không.
- Cảnh giác với các loài rắn, rết có thể trú ngụ trong nhà bạn để tránh lũ.
- Không nên bật, nhóm lửa quá sớm mà trước tiên hãy kiểm tra kỹ tình trạng khí gas. Nếu ngửi thấy có mùi gas thì lập tức rời khỏi nhà và gọi điện cho lực lượng cảnh sát chữa cháy.
- Nếu quan sát thấy có dây điện rớt xuống ở bên ngoài nhà, liên lạc với công ty điện lực ngay để sửa chữa. Tuyệt đối không nên chạm vào dây điện khi chân, tay bị ướt hoặc đang đứng trong vùng có nước ngập.
- Giữ trẻ em và vật nuôi tránh xa khỏi khu vực ngập nước hoặc khu vực nguy hiểm.
- Mặc đồ bảo hộ đầy đủ, cẩn thận khi tiến hành dọn dẹp, lau chùi nhà cửa.
- Vứt bỏ những thứ đã tiếp xúc với nước hoặc đã bị hư hỏng.
- Liên hệ với trung tâm y tế để kiểm tra xem nguồn nước có bị nhiễm bẩn hay không đồng thời tìm kiếm nguồn nước sạch để sử dụng. Không nên sử dụng nước lũ bởi nguồn nước có thể lẫn những hóa chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh,….
- Lau dọn sạch sẽ và tiến hành khử trùng mọi thứ trong nhà.
Trên đây là một số thông tin về cách ứng phó với lũ lụt mà Kiến Thức 24h muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng sau khi tham khảo xong bài viết, các bạn đã có thêm những kiến thức để đối phó với lũ lụt một cách hiệu quả nhất, từ đó bảo vệ an toàn sức khỏe cho bản thân cũng như mọi người trong gia đình.