Tai nạn điện rất dễ dàng xảy ra nếu chúng ta vô ý tiếp xúc với nguồn điện không đảm bảo an toàn hoặc bị rò rỉ. Nếu phát hiện người bị tai nạn điện kịp thời và sơ cứu nhanh chóng thì có đến 98% trường hợp sẽ được cứu sống. Tuy nhiên, chỉ cần sơ cứu muộn hơn 5 phút thì khả năng sống sót của nạn nhân chỉ còn lại 25%. Bạn có biết cách sơ cứu người bị điện giật đúng như thế nào?
Trường hợp may mắn, người bị điện giật có thể tự tách ra khỏi nguồn điện và không bị tổn thương nặng. Nhưng nếu không may, nguồn điện có cường độ quá cao khiến nạn nhân mất kiểm soát, dính vào vật mang điện thì cần phải được trợ giúp từ bên ngoài, nếu không sẽ mất mạng. Khi phát hiện người bị điện giật, bạn cần nhanh chóng thực hiện các thao tác sau:
Mục lục bài viết
Bước 1: Ngắt nguồn điện
Nhanh chóng tìm công tắc hoặc cầu dao điện và tắt đi để ngắt nguồn điện. Nếu không tìm được nguồn điện thì bạn phải ngay lập tức dùng các vật cách điện và không bị ướt (chổi, cây gỗ,…) để tách nạn nhân ra khỏi vật dẫn điện. Cẩn thận hơn, chân bạn nên mang dép cao su hoặc đứng trên những vật không dẫn điện.
Bước 2: Tách nạn nhân ra khỏi vật dẫn điện
Cho dù bạn đã ngắt nguồn điện nhưng lúc này vẫn phải dùng các vật có khả năng cách điện và khô ráo để tách nạn nhân ra khỏi nguồn điện như trên bước 1. Vì có thể lúc này cơ thể nạn nhân vẫn còn tích điện, nếu dùng tay chạm vào thì nhiều khả năng bạn cũng sẽ bị giật.
Bước 3: Kiểm tra và sơ cứu
Sau khi đã tách được nạn nhân ra khỏi vật mang điện, bạn cần nhanh chóng tiến hành kiểm tra và sơ cứu nạn nhân. Có hai trường hợp có thể xảy ra là nạn nhân đã hôn mê hoặc còn tỉnh.
Trường hợp 1: Nếu nạn nhân đã hôn mê: Bạn cần phải đặt nạn nhân ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau đó thực hiện các thao tác sơ cứu để giúp kích thích nạn nhân thở trở lại như hô hấp nhân tạo hoặc ép tim ngoài lồng ngực. Sau khi nạn nhân tỉnh lại, cần phải đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Các thao tác thực hiện hô hấp nhân tạo:
- Nới lỏng quần áo trên người nạn nhân và kê dưới cổ nạn nhân một vật mềm, đặt đầu nạn nhân ngửa ra sau để đường hô hấp được thông thoáng.
- Dùng một tay bịt mũi nạn nhân, tay còn lại kéo cằm của nạn nhân ra, để hở miệng.
- Bạn hít một hơi thật sâu và tiến hành thổi ngạt vào miệng nạn nhân. Thực hiện 02 lần liên tục như thế (đối với người lớn) hoặc 01 lần (đối với trẻ em dưới 8 tuổi) và chờ lồng ngực của nạn nhân xẹp xuống rồi tiếp tục thao tác thổi ngạt cho đến khi nạn nhân tỉnh lại.
- Thực hiện thao tác thổi ngạt khoảng 20 lần/1 phút.
Trường hợp nạn nhân không thể há miệng hoặc bị thương ở vùng miệng thì bạn sẽ bịt miệng nạn nhân và tiến hành thổi vào mũi.
Các thao tác ép tim ngoài lồng ngực:
- Bạn ngồi bên trái của nạn nhân, đặt hai tay chồng lên nhau rồi để lên vị trí ngực, ngay tim của nạn nhân. Ấn sâu xuống khoảng 1/3 đến nửa bề dày lồng ngực rồi nới tay ra.
- Đối với người lớn, bạn thực hiện thao tác này khoảng 100 lần/1 phút. Đối với trẻ em dưới 1 tuổi phải thực hiện nhiều lần hơn.
- Có thể kết hợp 5 lần ép tim thì hô hấp nhân tạo 1 lần để nạn nhân mau chóng tỉnh lại. Các thao tác phải thực hiện liên tục và nhanh.
Trường hợp 2: Nếu nạn nhân vẫn còn tỉnh: Đầu tiên là kiểm tra xem tim và phổi của nạn nhân có hoạt động bình thường không rồi đến những vị trí khác để kịp thời sơ cứu. Trường hợp nạn nhân bình thường, bạn cần trấn an tinh thần nạn nhân để họ giảm sốc. Trường hợp nạn nhân bị thương thì cần phải đưa đến cơ sở y tế nhanh chóng. Đặc biệt là bị thương ở vùng đốt sống cổ vì đó là vị trí nhạt cảm, có thể khiến nạn nhân bị liệt.