Sóng thần là một trong những thảm họa thiên nhiên nguy hiểm, có thể xảy ra do sự xê dịch của các mảng lục địa hoặc do động đất, núi lửa,.... Sau khi đi qua, sóng thần không chỉ gây ra những thiệt hại nặng nề về của cải mà còn cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Để có thể bảo vệ bản thân cũng như giảm thiểu tối đa thiệt hại do thảm họa này gây ra, các bạn hãy cùng Kiến Thức 24h tìm hiểu về cách nhận biết và phòng tránh sóng thần.
Mục lục bài viết
Dấu hiệu nhận biết sắp có sóng thần
Một cơn sóng thần có thể mất vài phút đến hàng giờ để tiến vào đất liền kể từ khi được hình thành. Những cơn sóng này khi còn ở ngoài đại dương thường sẽ có chiều cao không đến 1 mét và không gây nguy hiểm. Khi càng tiến vào gần bờ, sóng thần sẽ càng di chuyển với tốc độ mạnh và chiều cao lớn hơn, có thể đạt mức khoảng 700 km/h và cao hơn 40 mét. Chính vì vậy, lúc sóng thần còn ở xa sẽ rất khó để phát hiện. Tuy nhiên khi thảm họa này đến gần, bạn có thể nhận biết thông qua những dấu hiệu sau:
- Xảy ra động đất mà nền đất rung lắc mạnh đến mức khó đứng vững được.
- Xuất hiện vệt sáng đỏ ở đường chân trời.
- Nước biển rút đột ngột.
- Xuất hiện những bóng bóng chứa khí gas trên mặt nước, trông như nước đang sôi.
- Nước biển nóng bất thường.
- Nước biển có mùi trứng thối hay xăng, dầu.
- Nghe thấy những tiếng nổ như tiếng máy bay phản lực, trực thăng.
- Các loài động vật có hành vi bất thường: Những đàn chim bay ngược biển; Vật nuôi trong nhà có nhiều hành động lạ, cố tìm nơi trú ẩn, tập trung lại với nhau,….
Cách phòng tránh sóng thần
Thực tế, các cơn sóng thần thường được hình thành cách đất liền đến hàng nghìn km nên chúng ta sẽ có đủ thời gian để sơ tán cũng như chuẩn bị các giải pháp để đối phó khi sóng thần ập vào bờ. Một số giải pháp để phòng tránh sóng thần khẩn cấp mà bạn có thể tham khảo như sau:
Khi đang ở trên tàu
- Nếu tàu đang trên biển, tuyệt đối không được quay vào bờ mà phải di chuyển đến vùng nước sâu trên 150m.
- Nếu tàu đang ở gần bờ, cho tàu ra khơi hoặc di chuyển vào bờ rồi sơ tán người vào sâu trong đất liền (tối thiểu 500 m) nếu kịp thời gian.
- Tuyệt đối không neo đậu, ở lại trên cảng vì đây là nơi sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi sóng thần di chuyển vào bờ.
Khi đang ở trên đất liền
- Nếu đang ở khu vực gần biển hoặc nhà thấp trong phạm vi 500 m từ bờ biển thì di chuyển vào sâu trong đất liền càng xa càng tốt (tối thiểu 500 m) hoặc di chuyển đến nơi cao nhất nếu không có đủ thời gian.
- Nếu đang ở trong nhà cao tầng thì phải mở hết tất cả các cửa để hạn chế va đập và di chuyển đến tầng cao nhất.
- Khi sơ tán, chỉ nên mang theo các giấy tờ, vật dụng cần thiết.
Các biện pháp phòng tránh sóng thần
- Đầu tư trang thiết bị đo đạc địa chấn để kịp thời phát hiện động đất, sóng thần.
- Sử dụng các khu vực đất gần biển hợp lý, hạn chế xây dựng những công trình quan trọng gần biển.
- Tuyên truyền cho cư dân gần biển về mức độ nguy hiểm và dấu hiệu nhận biết, cách phòng tránh sóng thần để người dân có thể kịp thời ứng phó.
- Trồng rừng phòng hộ ven biển, xây dựng rào chắn để làm giảm sức mạnh của sóng thần.
- Tổ chức diễn tập, cứu nạn khi xảy ra sóng thần.
Trên đây là cách nhận biết và các giải pháp phòng tránh sóng thần mà chúng tôi muốn chia sẻ với bạn đọc. Mặc dù Việt Nam nằm trong khu vực ít có khả năng xảy ra sóng thần nhưng mỗi chúng ta cũng nên tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về phòng tránh sóng thần để bảo vệ bản thân và mọi người xung quanh nếu không may gặp phải tình huống này.